forum tạo dáng 3
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Go down
avatar
hai_anh
Khách viếng thăm

Nguyễn Sáng - Một danh họa lớn của thế giới Empty Nguyễn Sáng - Một danh họa lớn của thế giới

27/1/2010, 12:30 pm
Nguyễn Sáng - Một danh họa lớn của thế giới ChandungNGUYENSANG
Danh họa Nguyễn Sáng (1923-1988)
Vào một ngày đầu tháng 8 mùa thu năm 1923, trong căn nhà đơn sơ ở Điền Hòa - Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang), cậu bé Nguyễn Sáng cất tiếng khóc chào đời. Ít ai có thể ngờ rằng, chỉ khoảng vài chục năm sau đó, cậu bé "đất phương Nam" Nguyễn Sáng trở thành một danh họa lớn của nền Mỹ thuật Việt Nam.
Sinh trưởng trong một gia đình nhà giáo, nhưng Nguyễn Sáng lại tỏ ra có "năng khiếu bẩm sinh" về hội họa. Mới khoảng 5-6 tuổi, cậu bé Sáng đã mê vẽ và năm 13 tuổi thì Sáng đã thi đậu vào trường Mỹ thuật Gia Định. Năm 1938 tốt nghiệp, Nguyễn Sáng "lều chõng" ra Hà Nội, tiếp tục thi vào trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Khi đó, Nguyễn Sáng vẫn còn trong độ tuổi trăng rằm nên việc anh lặn lội ra Hà Thành ngàn năm văn vật để thi mỹ thuật có thể coi là một sự kiện. Đồng thời, qua đó cũng đủ thấy tình yêu hội họa của Nguyễn Sáng mãnh liệt nhường nào.
Chỉ vài tháng sau khi vào học ở trường Mỹ thuật Đông Dương, Nguyễn Sáng đã sớm bộc lộ tư chất của một sinh viên tài hoa nhưng có "cá tính mạnh". Là một sinh viên nắm khá vững về hình họa cơ bản nhưng Sáng không phục tùng lối vẽ trường quy, mà đi theo lối vẽ lược tả. Thậm chí Sáng không ngần ngại tuyên bố thẳng: "Lối vẽ tỉa, vẽ chi tiết, vẽ tả thực, nệ vào mẫu của nhà trường là cách dạy mỹ nghệ, chứ không phải cách dạy mỹ thuật". Tuy nhiên, khi tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Nguyễn Sáng lại được đánh giá là một trong những sinh viên tài hoa, có nhiều triển vọng.
Cách mạng tháng Tám - 1945 đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với cuộc đời và sự nghiệp của danh họa Nguyễn Sáng. Cùng với hàng triệu người dân đất Việt, chàng trai Nam Bộ Nguyễn Sáng đã hòa mình vào cùng đoàn người tham gia cướp chính quyền tại Phủ Khâm Sai (Hà Nội). Trong không khí của mùa thu mới, cùng với bạn bè, đồng nghiệp, Nguyễn Sáng lao vào các hoạt động, như: vẽ tem thư bưu chính, vẽ tranh cổ động, vẽ giấy bạc cho Chính phủ lâm thời và tham gia triển lãm chào mừng Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam mới… Nguyễn Sáng chính là tác giả của bộ tem "Chân dung Hồ Chủ tịch" - một bộ tem đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nguyễn Sáng - Một danh họa lớn của thế giới TranhNGUYENSANG
Tác phẩm: Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ
Từ năm 1946, Nguyễn Sáng đã có mặt tại chiến khu Việt Bắc để tham gia kháng chiến. Nhờ cách mạng và kháng chiến, Nguyễn Sáng có dịp kiểm nghiệm và nhận thức sâu sắc hơn về chân lý nghệ thuật. Nguyễn Sáng đã viết: "Có Tổ quốc mới có nghệ thuật! Trái lại, mất nước, mất tự do là mất tất cả". Chính trong giai đoạn này Nguyễn Sáng đã sáng tác được khá nhiều tác phẩm, trong đó có những tác phẩm đặc sắc như: Chợ Bo đẫm máu, Giặc đốt làng tôi…
Hòa bình lập lại (1954), "không khí ngày mới" càng làm cho Nguyễn Sáng hào hứng vẽ nhiều hơn. Kể từ đó cho đến năm 1987, Nguyễn Sáng gắn bó cuộc đời mình với Hà Nội và chú tâm vào việc sáng tác hội họa. Thời gian đầu Nguyễn Sáng dựng lại những tác phẩm về đề tài cách mạng, như: Chiếm Phủ Khâm Sai, Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ, Bộ đội trú mưa, Bộ đội nghỉ trưa trên đồi, Thành đồng Tổ quốc… Sau đó, Nguyễn Sáng thường vẽ những đề tài giản dị, gần gũi với cuộc sống đời thường, như: Thiếu nữ bên hoa sen, Nghệ sĩ và người mẫu, Thiếu nữ trong vườn chuối, Thiếu phụ chờ chồng, Tình cảm họa sĩ, Vũ trụ, Chân dung thiếu nữ… Nguyễn Sáng cũng đam mê vẽ chân dung bạn bè là những văn nghệ sĩ tên tuổi như Tô Hoài, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tuân, Dương Bích Liên… và vẽ về đề tài 12 con giáp trên những đĩa sơn mài (đến mức, 2 chữ "Đĩa Sáng" từ lâu đã trở thành thuật ngữ được giới yêu nghệ thuật biết đến).
Nguyễn Sáng là một trong số những họa sĩ của Việt Nam sử dụng thành thạo nhiều chất liệu hội họa, trong đó có những chất liệu quan trọng như sơn mài, sơn dầu, lụa… Điều đáng nói là hầu như ở chất liệu nào ông cũng đều để lại những dấu ấn tài hoa. Đối với Nguyễn Sáng, chất liệu chỉ giữ vai trò hỗ trợ cho tư duy sáng tạo của họa sĩ mà thôi. Nói cách khác, Nguyễn Sáng là nhà cách tân nghệ thuật hơn là "nhà kỹ thuật học".
Nhiều tác phẩm của Nguyễn Sáng đạt được "độ rung" mãnh liệt. Nhiều người trong giới mỹ thuật đã ghi nhận: Đối với Nguyễn Sáng, mỗi tác phẩm đã hoàn thành của ông, dù là chất liệu gì, bao giờ và lúc nào cũng phải là "những đứa con tinh thần bền vững", chứ không thể là nhất thời. Vì vậy, Nguyễn Sáng đã được giới mỹ thuật và đông đảo những người yêu hội họa tôn vinh: "Nhất Sáng, nhì Nghiêm, tam Liên, tứ Phái". Đó là 4 tài danh của nền hội họa đương đại Việt Nam, gồm: Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên và Bùi Xuân Phái.
Danh họa Nguyễn Sáng qua đời vào cuối năm 1988, tại TP.Hồ Chí Minh, để lại cho nền mỹ thuật Việt Nam hàng trăm tác phẩm, với nhiều đề tài và nhiều chất liệu khác nhau. Trong số này có khá nhiều tác phẩm giá trị, như: Giặc đốt làng tôi, Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ, Bộ đội trú mưa, Thành đồng Tổ quốc, Thiếu nữ bên hoa sen, Thiếu nữ trong vườn chuối, Vũ trụ, Chân dung thiếu nữ, Chọi gà, Đấu vật… Nhiều tác phẩm của ông được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và lưu giữ tại nhiều sưu tập tư nhân trong, ngoài nước. Đặc biệt, năm 1996, hai tác phẩm đặc sắc nhất của danh họa Nguyễn Sáng đã được ngành Bưu chính Việt Nam chọn và thực hiện thành bộ tem Hội họa Việt Nam (Vietnamese Paintings) là Thiếu nữ bên hoa senKết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ. Đây là bộ tem thứ 740, có mã số 2798 và 2799, do nữ họa sỹ Nguyễn Thị Sâm thiết kế. Giờ đây, bộ tem này đã trở thành bộ tem cực kỳ quý hiếm đối với giới sưu tập tem. Còn đối với những người yêu nghệ thuật, Nguyễn Sáng mãi mãi là danh họa số I trong "tứ kiệt hội họa" Việt Nam đương đại.
Về Đầu Trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết