forum tạo dáng 3
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Go down
ruoitrau
ruoitrau
THÀNH VIÊN 200
THÀNH VIÊN 200
Tổng số bài gửi : 226
Thanks! : 1
Join date : 05/09/2009
https://taodang3.forumvi.com

Mỹ thuật Việt Nam trong buổi đầu Cách mạng Tháng Tám Empty Mỹ thuật Việt Nam trong buổi đầu Cách mạng Tháng Tám

6/9/2009, 7:25 am
Cách mạng Tháng Tám thức tỉnh đa số
nhà mỹ thuật, đã đưa họ ra khỏi chỗ bế tắc về đời sống cũng như về nghề
nghiệp. Nhờ ánh sáng của cách mạng, nghệ sĩ nhận rõ nhiệm vụ của mình
là phải phấn đấu vì tự do của dân tộc, vì độc lập của Tổ quốc. Một con
đường xán lạn mở ra trước mắt họ: con đường “nghệ thuật vị nhân sinh”.
Do những biến chuyển lớn trong xã hội, bao nhiêu cái mới diễn ra là bấy
nhiêu đề tài đầy ý nghĩa cho nghệ sĩ. Là những người nhạy cảm, đa số tự
nguyện đi theo con đường chính nghĩa do cách mạng vạch ra.

Ðảng và Chính phủ đặc biệt
quan tâm đến văn nghệ. Trong khi phải đối phó với tình hình gay go do
thực dân hiếu chiến gây ra, Chính phủ không quên mở lại trường mỹ
thuật, khuyến khích giới văn nghệ tổ chức triển lãm văn hóa và nghệ
thuật.

Ðược sự giáo dục của Ðảng,
các họa sĩ hăng hái góp phần mình vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc.
Một mặt, họ vẽ tranh cổ động để nói lên ý chí của nhân dân kiên quyết
bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, như bức tranh cổ động rất to của Trần
Văn Cẩn dựng trước nhà Ðịa ốc ngân hàng, tả một thanh niên, một phụ nữ
và một em bé gái với dòng chữ Nước Việt Nam của người Việt Nam; hay một
bức tranh khác cũng rất to của họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ bức Toàn dân đoàn
kết. Những tranh cổ động này có sức lôi cuốn người xem. Mặt khác, họ
chia thành từng đoàn đi vào cuộc sống để sáng tác phục vụ nhân dân và
tham gia tổ chức các cuộc triển lãm.

Những cuộc triển lãm mỹ thuật đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa
Ngày
7-12-1945, Hội Văn hóa cứu quốc tổ chức tại hội quán Khai trí tiến đức
(nay là trụ sở Hàng không dân dụng Hà Nội) một cuộc triển lãm chung về
văn hóa, trong đó mỹ thuật chiếm phần quan trọng. Người ta thấy đủ loại
tranh mỹ thuật như sơn mài, sơn dầu, tranh vẽ lụa, đồ họa, rất nhiều
tranh cổ động và tượng tròn. Ðây là cuộc trưng bày tác phẩm mỹ thuật
đầu tiên trong chế độ dân chủ cộng hòa.

Năm 1946, để kỷ niệm Cách
mạng Tháng Tám, Hội Văn hóa cứu quốc lại tổ chức một cuộc triển lãm mỹ
thuật quy mô tại nhà hát thành phố Hà Nội. Một cuộc trưng bày tranh cổ
động “Bảo vệ nền độc lập” tại phố Tràng Tiền cũng được tổ chức trong
thời gian này.

Lòng căm thù của dân tộc ta
đối với bọn cướp nước được nung nấu từ lâu, có sức mạnh như thuốc nổ
của một quả bom đã được cách mạng châm ngòi. Những tranh cổ động là
tiếng thét của một dân tộc bị áp bức vùng lên vạch tội ác của bọn đế
quốc thực dân. Những tranh Phá xiềng, Việt Nam được giải phóng của Tô
Ngọc Vân, Việt Nam bị đổ rượu Phông-ten (không rõ tên tác giả) đã tác
động mạnh vào người xem. Tranh Xuống đồng của Trần Văn Cẩn diễn tả hai
chữ nông dân đang cấy, tranh Lửa của Lương Xuân Nhị thể hiện sự hy sinh
cao cả của em Tám đốt kho xăng của thực dân ở Nam Bộ, Chân dung Hồ Chủ
tịch của Tô Ngọc Vân, v.v... là những tác phẩm có tác dụng tốt...

Tuy nhiên, trong buổi giao
thời, không làm sao khỏi rơi rớt lại một số tác phẩm còn vẽ theo quan
niệm cũ, không lành mạnh của các trường phái suy đồi tư sản, ví dụ như
tranh Người suối bạc của Phạm Ðăng Trí, diễn tả bằng một màu xanh
"vê-rô-ne-dơ" ghê rợn hình ảnh một phụ nữ như người mắc bệnh lao đang
hấp hối, tranh lập thể Hoa đăng của Tạ Tỵ mà người ta không biết đâu là
“hoa” đâu là “đăng”.

Ngoài ra, còn nhiều tranh
lấy đề tài phụ nữ vẽ theo lối lãng mạnh tư sản châu Âu, hình thức cầu
kỳ mà không nói lên điều gì có ý nghĩa. Hồ Chủ tịch, sau khi xem những
loại tranh này ngày 7-12-1945, có nói: "Các chú vẽ nhiều thiếu nữ khỏa
thân, vẽ nhiều hoa, cái ấy cũng đẹp, nhưng đẹp trên cao, sao các chú
không vẽ cái đẹp chung quanh ta?”.

Họa sĩ kháng chiến
Khi
chiến tranh chống xâm lăng bùng nổ, những nghệ sĩ yêu nước đều theo
tiếng gọi của con sông đi kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Hồ
Chí Minh. Một số vào bộ đội trực tiếp tham gia giết giặc, còn một số
đem nghề nghiệp của mình phục vụ cho công tác tuyên truyền hay đào tạo
thế hệ nghệ sĩ trẻ để tiếp tục phát triển nền nghệ thuật dân tộc.

Tuy nhiên, cởi bỏ bộ Âu phụ,
mặc thay vào bộ quần áo cánh nâu, đi dép lốp cao su, mang ba-lô hành
quân không phải là khó lắm, trong ít hôm người ta sẽ quen với cảnh sinh
hoạt đó; còn vứt bỏ quan điểm nghệ thuật tư sản bị tiêm nhiễm trong chế
độ cũ, thì không phải thời gian ngắn mà làm được. Cho nên, trong kháng
chiến, nhiều nghệ sĩ phải đấu tranh gay gắt lâu ngày mới có được cái
nhìn đúng đắn của giai cấp cần lao. Gương điển hình về sự "thoát thai"
này là họa sĩ Tô Ngọc Vân, nhà nghệ sĩ tài ba đã hy sinh trên đường đi
công tác lên mặt trận Ðiện Biên Phủ. Bức tranh sơn dầu họa sĩ Tô Ngọc
Vân vẽ lúc đầu kháng chiến đề tên là Hà Nội đứng lên thật đầy ý nghĩa.
Là một họa sĩ trước Cách mạng nổi tiếng về tranh phụ nữ đẹp theo quan
niệm lãng mạng tư sản, muốn tượng trưng cho Thủ đô vùng lên, tác giả
không thấy hình ảnh nào hơn là hình ảnh một phụ nữ đẹp có thân hình
thon thả đang vươn lên trong cảnh khói lửa. Sau nhiều năm kháng chiến
thâm nhập vào thực tế, họa sĩ vẽ một Nữ cán bộ nông thôn dáng người
khỏe mạnh, quần xắn lên, áo cánh ngắn..., Tô Ngọc Vân bảo: "Ðây là
tranh phụ nữ đẹp nhất của tôi vẽ từ trước tới nay...”. Quan niệm về cái
đẹp của họa sĩ đã thay đổi theo nhân sinh quan mới của mình.

Ba hướng công tác cụ thể của
các họa sĩ trong kháng chiến, theo khẩu hiệu của Bác Hồ đã đề ra “kháng
chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến” là cầm súng giết giặc, công
tác tuyên truyền và công tác đào tạo. Về họa sĩ đánh giặc, chúng tôi
không nói nhiều, và khi cầm súng ra chiến trường thì họa sĩ, cũng như
mọi chiến sĩ khác, đều làm một việc giống nhau là giết giặc. Chúng tôi
chỉ muốn nêu ra rằng trong số họa sĩ đánh giặc có người lập được thành
tích vẻ vang. Chiếc máy bay địch bị bắn rơi đầu tiên ở chiến trường
Việt Nam tại Trà Vinh (Nam Bộ) là do một họa sĩ làm đại đội trưởng, anh
Nguyễn Cao Thương chỉ huy bắn. Ngoài những người lập công như thế cũng
có nhiều họa sĩ hy sinh cho Tổ quốc.

Công tác tuyên truyền và công tác đào tạo là công việc thu hút nhiều họa sĩ nhất.
Công tác tuyên truyền
Trong
kháng chiến, công tác tuyên truyền thích hợp với họa sĩ hơn hết, và khi
có điều kiện họ có thể xây dựng nhiều tác phẩm "dài hơi" là điều ước
mong của mọi nghệ sĩ yêu nghề.

Hoàn cảnh khó khăn ở chiến
khu làm cho sự phát triển mỹ thuật không được toàn diện. Nhiều thể loại
như điêu khắc, sơn dầu không có điều kiện phát triển, nhất là ở chiến
trường "cài răng lược” như Nam Bộ. Ngược lại, một số thể loại phát
triển mạnh như tranh cổ động, tranh truyện, ký họa, v.v... bằng bột
màu, bút chì hay mực tàu, hoặc những loại tranh dân gian khắc gỗ in
màu: Kinh nghiệm cho biết những loại tranh này rất phù hợp với hoàn
cảnh chiến tranh ở nước ta.

Trong thời kháng chiến, loại
tranh địch vận cho thấy lợi ích của nó. Những tranh như của Lương Xuân
Nhị vẽ một tên lính địch tử thương ngã xuống rồi tự hỏi "Chết cho ai
đây? Ðể làm gì?", in thành truyền đơn “bướm”, rải rộng khắp đến tay
địch, phải làm cho chúng suy nghĩ. Trong lúc quân đội thực dân bị bao
vây ở Ðiện Biên Phủ, tiếp tế khó khăn, sống rất khốn khổ, thì những họa
sĩ Mai Văn Hiến, Nguyễn Bích, Huy Toàn vẽ tranh to đến 20 mét vuông,
dựng lên ở cách vị trí địch vài trăm mét, kêu gọi phân hóa địch, nhất
định gợi lên trong lòng chúng ý muốn đầu hàng để được đối xử khoan hồng.

Tranh tuyên truyền có tác
dụng nhất là tranh khắc gỗ với mục đích cổ động đồng bào hậu phương về
ý thức chính trị, về nghĩa vụ quân sự, về chống nạn mù chữ, về chính
sách kinh tế, v.v... Mỗi tranh đơn hay bộ tranh truyện thường có những
câu ca dao hoặc những bài thơ ngắn, lời lẽ giản dị, quần chúng dễ tiếp
thu.

Làm tranh cổ động tuyên
truyền trong kháng chiến, không phải chỉ cần một trình độ nào đó về
chuyên môn là đủ, mà thường đòi hỏi cả một sự can đảm để khắc phục khó
khăn. Nhiều khi trong hoàn cảnh giặc chặn đường liên lạc, ta thiếu họa
phẩm, nghệ sĩ phải tự tạo lấy tất cả để sáng tác. Trong đời sống bình
thường, không ai có thể nghĩ rằng thuốc sốt rét màu vàng, hoặc thuốc
sát trùng màu đỏ lại là nhữ màu rất thông dụng đối với họa sĩ kháng
chiến. Nhọ nồi, than củi, gạch non, lá cây, vỏ cây, v.v... đều là họa
phẩm của họa sĩ kháng chiến. Có khi tất cả dụng cụ của một nhà làm
tranh khắc gỗ chỉ vẻn vẹn một con dao nhíp. Bởi thế, những bộ tranh
truyện như bộ Nguyễn Thị Chiên của một tập thể học viên dưới sự hướng
dẫn của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, bộ Hoàng Hanh của Trần Văn Cẩn, bộ Ngô
Gia Khảm của Nguyễn Ðỗ Cung hay tranh in li-tô Xã Ðoàn Kết vượt khó
khăn của tập thể Minh Cầu, Mai Long, Công Nhân, Trịnh Phòng; tranh
truyện lớn Vụ phiến loạn ở Hưng Nguyên của Nguyễn Ðức Nủng,... là những
cố gắng lớn lao của họa sĩ kháng chiến.

Trong các bức tranh cổ động
tuyên truyền, họa sĩ ta không những chú trọng về nội dung mà cũng rất
quan tâm đến nghệ thuật. Nhiều tranh truyện nhất là tranh đơn, là những
tác phẩm mỹ thuật có giá trị. Ví dụ bức Dân quân của Nguyễn Tư Nghiêm
được giải nhấ trong cuộc triển lãm 1948 ở Việt Bắc, tranh Trong rừng
của Tô Ngọc Vân, tranh tứ bình Tình cá nước trưng bày trong cuộc triển
lãm ở Giáp Nước (Cà Mau), tranh Sinh hoạt trong kháng chiến của Huỳnh
Văn Thuận, tranh Cải cách ruộng đất của Nguyễn Ðức Nùng, tranh Nhớ ơn
người chiến sĩ vô danh của Trần Văn Cẩn, v.v... chẳng những có giá trị
về mặt lịch sử, mà về mặt nghệ thuật, theo chúng tôi, cũng đáng được để
trong một bảo tàng mỹ thuật nghiêm chỉnh. Rất đáng tiếc là một số lớn
tác phẩm đáng quý này đã bị hủy hoại vì chiến tranh, nay không còn để
lại hình ảnh gì
ruoitrau
ruoitrau
THÀNH VIÊN 200
THÀNH VIÊN 200
Tổng số bài gửi : 226
Thanks! : 1
Join date : 05/09/2009
https://taodang3.forumvi.com

Mỹ thuật Việt Nam trong buổi đầu Cách mạng Tháng Tám Empty Công tác đào tạo nghệ sĩ trẻ

6/9/2009, 7:27 am
Những khó khăn, dù lớn đến mấy, khi
người ta khắc phục được, thì cũng trở nên bình thường. Những thiếu
thốn, trở ngại, gian khổ của cuộc kháng chiến trường kỳ đã trở thành
chuyện thường ngày của họa sĩ ta. Bởi thế họ suy nghĩ tìm tòi, sáng tác
những tranh nghệ thuật có tính cách lâu dài, và nghiên cứu để phát
triển những kỹ thuật mới. Lần lượt những xưởng họa được thành lập ở
Việt Bắc, ở Khu IV, v.v... để giúp đỡ anh em họa sĩ về mặt tinh thần
cũng như vật chất. Sự thành lập xưởng họa có nghiên cứu sơn mài như
xưởng họa trung ương ở Phú Thọ (sau mới về Thái Nguyên), và xưởng họa
trung ương ở Phú Thọ (sau dời về Thái Nguyên), và xưởng họa Khu IV là
bước tiến lớn trong việc phát triển nghệ thuật ở chiến khu. Nhờ những
xưởng họa đó, anh em họa sĩ có điều kiện tập hợp lại cùng nhau rút kinh
nghiệm, thảo luận và tiến hành sáng tác những tranh có tính chất tìm
tòi để tự nâng cao trình độ nghệ thuật. Nhưng sự kiện quan trọng nhất
đánh dấu bước phát triển nghệ thuật ở chiến khu. Nhờ những xưởng họa
đó, anh em họa sĩ có điều kiện tập hợp lại cùng nhau rút kinh nghiệm,
thảo luận và tiến hành sáng tác những tranh có tính chất tìm tòi để tự
nâng cao trình độ nghệ thuật. Nhưng sự kiện quan trọng nhất đánh dấu
bước phát triển mỹ thuật ta trong kháng chiến là mở lớp đào tạo nghệ sĩ
trẻ, để tăng cường đội ngũ họa sĩ, đáp ứng yêu cầu của các cơ quan,
đoàn thể, báo chí v.v... gây thành phong trào mỹ thuật trong toàn quốc.

Vì nhu cầu của công việc
tuyên truyền, ngay những năm đầu kháng chiến, lớp dạy vẽ ngắn ngày mở
ra khắp nơi. Ðó là những lớp do anh em biết vẽ nhiệt tình xung phong
hướng dẫn những cán bộ và thanh niên có năng khiếu về hội họa. Sự thực
là trong những lớp ấy, anh em học viên chỉ luyện tập một số hiểu biết
về thực tiễn để công tác chứ không theo chương trình chính quy nào. Dần
dần sự đòi hỏi phải có một trường mỹ thuật để đào tạo nghệ sĩ trẻ trở
nên cấp thiết. Cuối năm 1949, Ðảng và Chính phủ cho mở trường mỹ thuật
ởViệt Bắc.

Trường Mỹ thuật Việt bắc
Giữa
năm 1950, trường mỹ thuật được thành lập ở chiến khu Việt Bắc, giữa lúc
cuộc chiến đấu với địch bước vào giai đoạn hết sức gay go và quyết
liệt. Khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến" trong lúc ấy cũng đủ nói lên
khó khăn về vật chất trong việc mở trường như thế nào.

Trường thu nhận một số sinh
viên cũ đang họ dở dang trước kháng chiến và một số sinh viên mới.
Ðường lối giảng dạy dựa theo phương châm đường lối của Ðảng là: dân
tộc, khoa học, đại chúng; lấy công, nông, bình làm đối tượng chính.

Một ưu điểm lớn bao trùm tất
cả là theo chương trình của nhà trường, học sinh luôn luôn sống giữa
thực tế, tham gia lao động, học hỏi nhân dân, lấy nhiệm vụ của địa
phương mình đến ở làm đề tài luyện tập. Nhờ thế, họ không xa rời con
đường hiện thực. Cả thầy lẫn trò Trường Mỹ thuật do họa sĩ Tô Ngọc Vân
làm hiệu trưởng, cùng Ðoàn cán bộ Tuyên văn giáo huấn Trung ương đã “đi
thực tế” ở ba huyện Ðồng Hỷ, Phú Bình, Phổ Yên tỉnh Thái Nguyên gần
trọn năm 1952. Trong hai đợt chỉnh huấn đầu năm 1953, nhờ được học tập
thư Hồ Chủ tịch gửi cho văn nghệ sĩ, nên học sinh mỹ thuật, cũng như
văn nghệ sĩ nói chung, đã xác định lập trường cách mạng và có quan niệm
đúng đắn về đối tượng phục vụ của mình. Khẩu hiệu "cách mạng hóa tư
tưởng, quần chúng hóa sinh hoạt" được anh em thấm nhuần. Tư tưởng học
sinh được nâng lên, những tác phẩm vẽ ra có tính nhân dân rõ hơn trước.

Trong thời gian học tập, học
sinh đã tham gia cổ động tuyên truyền bằng chuyên môn của mình để phục
vụ những cuộc vận động lớn trong kháng chiến: vận động thanh niên xung
phong tòng quân, đóng thuế nông nghiệp, hưởng ứng "Ðại hội thanh niên
Bá Linh", vận động sản xuất tiết kiệm, phát động quần chúng giảm tô và
cải cách ruộng đất, công tác địch hậu ở khu Tả Ngạn, phục vụ chiến dịch
Ðiện Biên Phủ... Nói chung, học sinh được đào tạo ở Trường Mỹ thuật
Việt Bắc không có điều kiện học đầy đủ những môn lý thuyết, nhưng tất
cả đều giàu kinh nghiệm sống do hoàn cảnh kháng chiến và phương pháp
huấn luyện tạo nên. Số lượng học sinh không nhiều, nhưng hầu hết đều có
thành tích đóng góp cho cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Trong
những điều kiện khó khăn rất lớn, một số đã sáng tác được những bức
tranh đầy tình cảm, đầy sinh lực, ghi lại một thời kỳ oanh liệt của dân
tộc ta. Nhiều tranh vẽ bằng màu tự tạo, trên những tờ báo cũ hay giấy
bản thường, nhưng theo chúng tôi, đó là những tác phẩm rất quý của nghệ
thuật, Việt Nam.

Những cuộc triển lãm hội họa ở chiến khu
Nhân
dân ta chẳng những ưa thích mỹ thuật, mà còn có năng khiếu thẩm mỹ,
nhưng trong quá trình lịch sử không bao giờ có điều kiện vật chất đầy
đủ để phát hiện năng khiếu ấy. Trong thời phong kiến, bọn vua chúa cấm
người bình dân không được làm nhà cao cửa rộng, không được ăn mặc đẹp;
nhưng thực ra, sự cấm đoán ấy cũng thừa; bị bóc lột tàn nhẫn, quanh năm
đầu tắt mặt tối, bát cơm thường còn không đủ, nhân dân lao động lấy gì
mà xây nhà cao cửa rộng, ăn mặc đẹp? Ðến thời Pháp thuộc, dưới hai tầng
áp bức bóc lột của thực dân và phong kiến, nhiều khi nông dân còn phải
thay trâu bò kéo cày, cho nên càng xa lạ với mỹ thuật hơn nữa. Cách
mạng Tháng Tám đem lại cơm áo cho nhân dân lao động và đồng thời cũng
đem lại những món ăn tinh thần mà trước kia họ rất thiếu thốn. Bởi thế,
dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Hồ Chí Minh, khi nhân dân ta đứng lên
chống xâm lăng, lập căn cứ ở nông thôn và vùng rừng núi, thì cũng chính
là lần đầu tiên nhân dân những vùng này tiếp xúc với mỹ thuật. Nhờ mỹ
thuật, họ thấy rõ hơn cảnh tươi đẹp của đất nước hiểu sâu hơn ý nghĩa
của Cách mạng, thấm thía hơn nhiệm vụ của mình đối với quê hương. Một
quyển sách dày hơn một bài luận văn sâu sắc có khi nhân dân không nhớ
lâu bằng một bức tranh hiện thực.

Mỗi cuộc triển lãm là một
lớp học lớn cho khán giả và cho cả nghệ sĩ có tác phẩm trưng bày. Ðó là
sự việc rất mới. Nhà văn Hoàng Yến, trong một bài báo, có nói đến không
khí phòng triển lãm hội họa ở Liên khu IV năm 1949 trong kháng chiến
như sau: "Bước vào phòng, người ta có ngay những cảm giác lạ, không khí
ở đây khác xa không khí tráng lệ của những phòng tranh ở Thủ đô thời
bình, khác từ đề tài các bức họa đến cả cách trang hoàng phòng triển
lãm. Những khung gỗ trắng mộc mạc của những bức tranh, đường vải trắng
chạy qua các cột đình, tất cả trông nó đơn giản thanh tú làm sao! Nhất
là lớp công chúng mới của nền hội họa 1949, lớp dân quê, càng làm phòng
tranh thêm vẻ bình dân thanh đạm..."

Một khung cảnh khác: ...
Dưới bóng mát của một khu vườn dừa dày đặc như rừng ở Giáp Nước (Cà
Mau), một vùng mà người ta gọi là "xứ khỉ ho cò gáy", xa những trung
tâm văn hóa, năm 1953, Chi hội Văn nghệ Nam Bộ mở ra một phòng trưng
bày tranh và các bộ môn văn nghệ khác của văn nghệ sĩ Nam Bộ sáng tác.
Nếu không có Cách mạng thì không có ai nghĩ rằng ở một nơi còn có người
chưa biết tàu hỏa ra sao, lại được thưởng thức nghệ thuật những bức
tranh phản ánh đời sống nhân dân, nghe những bản nhạc mới, theo dõi
cuộc thảo luận về các áng văn, bài thơ của các nghệ sĩ tiếng tăm nhất ở
Nam Bộ lúc bấy giờ. Ðiều lạ lùng hơn hết là những người nông dân ở đây
lại đóng góp nhiều ý kiến xác thực mà trong giới trí thức không ai nghĩ
đến. Người ta thường nhắc lại chuyện góp ý của một nông dân: Trước bức
tranh của một họa sĩ tên tuổi ở Nam Bộ vẽ cảnh bộ đội giúp đồng bào lợp
nhà, một người nông dân đứng ngắm phía rồi nói: "Tôi không hiểu anh bộ
đội ngồi như vậy làm sao lợp lá được”. Té ra vì không sát thực tế, tác
giả vẽ anh bộ đội lợp nhà từ trên nóc trở xuống, trong khi phải lợp từ
dưới trở lên. Thế mà bao nhiêu văn nghệ sĩ trước đó xem không thấy chỗ
sai. Tác giả bức tranh thú nhận mình còn xa thực tế và thiếu học hỏi
nhân dân lao động.

Trong thời gian kháng chiến
ở Việt Bắc cũng như Liên khu V và Nam Bộ, đều có mở ra những cuộ triển
lãm mỹ thuật thu hút đồng bào đến xem.

Ở Việt Bắc, năm 1948, có một
cuộc triển lãm nhân dịp hội nghị văn hóa toàn quốc họp tại Phú Thọ.
Trong cuộc triển lãm này có những tranh sơn dầu, lụa, tranh khắc gỗ,
tranh bột màu, v.v...

Sau đó là cuộc triển lãm ở
Khu III. Phần lớn những tác phẩm tốt của cuộc triển lãm này đã bị mất
trong khi địch càn quét. Ðây là mộ tổn thất lớn của mỹ thuật ta, vì
trong số những tranh bị mất có những tác phẩm đẹp như bức Dân quân của
Nguyễn Tư Nghiêm, hai tranh đơn và nhiều ký họa của Tô Ngọc Vân và
nhiều tranh khác có giá trị của các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Nguyễn Văn Tỵ,
Lương Xuân Nhị.

Năm 1950, trong cuộc triển
lãm ở Cục dân quân, có trưng bày nhiều ký họa và tranh thường, trong đó
có cả sơn mài về dân quân du kích.

Năm 1951, triển lãm mỹ thuật
được tổ chức tại Chiêm Hóa và năm 1954 thì tổ chức tại Thái Nguyên. Khi
hòa bình được lập lại, tác phẩm trưng bày trong cuộc triển lãm sau này
được đem về Thủ đô kết hợp với một số tranh của các họa sĩ miền Nam tập
kết mang ra, làm thành phòng triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1954.

Ở Liên khu V, trong các cuộc
triển lãm ở Bồng Sơn năm 1949 và ở Long Mỹ năm 1952 có trưng bày những
tác phẩm tương đối lớn về chiến thắng Mang Du, Ðak Ðon, An Khê, v.v...

Ở Nam Bộ, ngoài những cuộc
triển lãm chung về tranh kháng chiến ở Thiên Hộ, có cuộc triển lãm mỹ
thuật nhân dịp Ðại hội văn nghệ Nam Bộ ở Giáp Nước.

Ðó là những cuộc triển lãm
mỹ thuật tương đối quan trọng, còn thường xuyên thì có những cuộc trưng
bày tranh tuyên truyền ở các địa phương trong nước, làm cho đồng bào
nông dân có ý thức hơn về mỹ thuật.

Những cuộc triển lãm cho
thấy nhờ sự đặc biệt quan tâm của Ðảng và Chính phủ trong việc tạo điều
kiện cho anh em họa sĩ sáng tác, nên lần lượt xuất hiện những tranh
nghệ thuật có tính chất "dài hơi" bằng chất liệu đòi hỏi công phu như
tranh sơn mài: Giặc đi của Tô Ngọc Vân; Cụ già học, Vệ quốc quân canh
đêm, Vệ quốc quân nghỉ giữa đồng của Nguyễn Tư Nghiêm; Cái bát của Sĩ
Ngọc, Bể của Nguyễn Văn Tỵ, v.v... Nhiều tranh trong số này chẳng những
là sự cố gắng lớn của họa sĩ trong hoàn cảnh kháng chiến gian khổ mà
còn là sự tìm tòi công phu để đưa nền hội họa của ta tiến lên một bước.

Sau những cuộc triển lãm là
những cuộc phê bình và tranh luận về quan điểm nghệ thuật trong hội
nghị hay trên báo chí. Những cuộc thảo luận ấy đánh dấu bước trưởng
thành của nền nghệ thuật mới, vạch ra cho nghệ sĩ nhiệm vụ của mình
trong cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc. Nhiều vấn đề được đặt ra và
khêu gợi những cuộc tranh luận sôi nổi như vấn đề "tranh tuyên truyền
và tranh nghệ thuật có phải là hai loại riêng biệt không? Quần chúng có
thể phê bình nghệ thuật được đúng hay không? Chất liệu sơn mài có tương
lai hay không?" v.v... Qua những cuộc thảo luận, dù các vấn đề trên đây
chưa được giải quyết dứt khoát, nhưng anh em họa sĩ đã thấy ý thức mình
được nâng lên, con người mình như lớn lên trong cách mạng. Những họa sĩ
như Tô Ngọc Vân, trước kia chịu ảnh hưởng quan niệm nghệ thuật tư sản,
đã thấy tư tưởng mình được cải tạo và trở thành một nghệ sĩ nhân dân,
vì nhân dân mà phục vụ. Nhờ những cuộc thảo luận đó, người ta thấy được
rõ hơn vai trò quần chúng trong nghệ thuật, vị trí của tranh sơn mài
trong nền mỹ thuật Việt Nam, v.v..
ruoitrau
ruoitrau
THÀNH VIÊN 200
THÀNH VIÊN 200
Tổng số bài gửi : 226
Thanks! : 1
Join date : 05/09/2009
https://taodang3.forumvi.com

Mỹ thuật Việt Nam trong buổi đầu Cách mạng Tháng Tám Empty Re: Mỹ thuật Việt Nam trong buổi đầu Cách mạng Tháng Tám

6/9/2009, 7:27 am
Kiến trúc ở chiến khu
Trong
kháng chiến, các họa sĩ có những đóng góp đáng kể cho việc tuyên truyền
cổ động, nhưng các môn nghệ thuật khác, ví dụ như kiến trúc không phải
là không hoạt động cho công việc chung. Nó là một môn ít điều kiện phát
triển trong hoàn cảnh kháng chiến; cho nên, nhiều nhà kiến trúc tự
nguyện làm những công việ không liên quan gì đến chuyên môn của mình.
Có người vào công tác trong công binh xưởng, tham gia xây dựng quân
đội, có người xung phong vào bộ đội cầu đường phục vụ các chiến dịch...
Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, các kiến trúc sư của ta cũng cho
thấy trí sáng tạo của người nghệ sĩ yêu nước. Năm 1948, với vật liệu có
được ở chiến khu, các kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật, Nguyễn Cao Luyện, Hoàng
Như Tiếp xây dựng hội trường Ðại hội văn nghệ và hội trường Hội nghị
thống nhất Việt Minh, Liên Việt, đồ sộ và đẹp đẽ.

Toàn bộ hội trường lớn lao
này làm bằng tre nứa và rất ít gỗ. Những hoa văn bằng tre, trúc đan
trang trí bên trong các phòng có một vẻ đẹp rất đặc sắc. Công trình
đáng chú ý nhất là khu “giao tế” để tiếp khách nước ngoài, xây dựng năm
1949 ở vùng Thái Nguyên và Tuyên Quang, cũng do các nhà kiến trúc Tạ Mỹ
Duật, Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp thiết kế, các họa sĩ Tô Ngọc
Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Khang trang trí bên trong. Ðịa điểm kiến
thiết là một khu rừng lớn, các nhà kiến trúc cố tìm cách giữ nguyên cây
lá bên trên để bảo đảm về mặt phòng không.

Dựa trên thiên nhiên ấy, các
kiến trúc sư ta dựng lên những ngôi nhà hài hòa và thích ứng với mục
đích đề ra. Bên trong các phòng, ngoài hoa văn trang trí bằng tre,
trúc, nứa đan, các họa sĩ vẽ theo lối bích họa những tranh to lên vải,
bằng màu tự chế như bột son, đất vàng, than củi, v.v... như nghệ sĩ
thời nguyên thủy. Họa sĩ Tô Ngọc Vân trang trí Phòng bộ đội chủ lực và
quân y, Trần Văn Cẩn: Phòng dân quân, Nguyễn Khang: Phòng dân công phục
vụ chiến dịch.

Sự kết hợp khéo léo hoa văn
bằng tre, nứa đan và tranh trang trí làm cho các phòng có một vẻ huy
hoàng lộng lẫy và khung cảnh thiên nhiên sầm uất bên ngoài càng tăng
thêm vẻ đẹp. Chen lẫn với những ngôi nhà là những gốc cây cổ thụ to
lớn, cành lá xòe ra như những cái ô khổng lồ có dây leo như những con
rắn vĩ đại quấn quít từ cây này qua cây khác. Bên dưới là lối đi sạch
sẽ như trong vườn hoa bát ngát, hùng vĩ.

Ðây là một bằng chứng về khả năng sáng tạo của nghệ sĩ ta trong hoàn cảnh hết sức gay go của một cuộc chiến tranh ác liệt.
Ngoài công trình đột xuất
nói trên, những nhà kiến trúc kháng chiến, trong điều kiện chung sống
với người dân nông thôn, đã là nhiều phác thảo nhà ở, giếng nước cho
hợp vệ sinh và mỹ quan của nông thôn, thích ứng với tình hình kinh tế
và nguyên liệu trong hoàn cảnh lúc bấy giờ.

Thời kháng chiến là một thời
có tầm quan trọng của nó về mặt mỹ thuật, vì nó đặt nền tảng cho sự
phát triển nhanh chóng của hội họa ta sau này. Trước hết, nó thử thách
lòng yêu nước, yêu nhân dân, tinh thần chịu đựng gian khổ, đức tính hy
sinh vì độc lập của Tổ quốc, vì hạnh phúc của đồng bào. Nó còn rèn
luyện lập trường quan điểm của người chiến sĩ cách mạng tẩy trừ quan
niệm tư sản về nghệ thuật mà nghệ sĩ ta bị tiêm nhiễm trong chế độ cũ.
Qua những thử thách đó, tình cảm của nghệ sĩ đã được gắn bó với nhân
dân. Nói về kháng chiến, bản báo cáo trong Ðại hội văn nghệ toàn quốc
lần thứ II của Ban chấp hành Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật có nhận
định: "Từ chỗ là những con người sống lẻ loi cách biệt với nhân dân,
anh em văn nghệ sĩ đã trở thành gắn bó với nhân dân, lấy việc phục vụ
nhân dân làm lý tưởng của đời mình và lẽ sống của nghệ thuật...".
ruoitrau
ruoitrau
THÀNH VIÊN 200
THÀNH VIÊN 200
Tổng số bài gửi : 226
Thanks! : 1
Join date : 05/09/2009
https://taodang3.forumvi.com

Mỹ thuật Việt Nam trong buổi đầu Cách mạng Tháng Tám Empty Re: Mỹ thuật Việt Nam trong buổi đầu Cách mạng Tháng Tám

6/9/2009, 7:28 am
45 năm Hội Mỹ thuật Việt Nam
Cách
đây 45 năm, tiền thân Hội Mỹ thuật Việt Nam là Ban Mỹ thuật Hội Văn
nghệ Việt Nam được thành lập tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc ở chiến khu
Việt Bắc, gồm có các hoạ sĩ Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Văn Tỵ,
Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Đình Thọ, Phạm Văn Đôn, Phan Kế An,
Dương Bích Liên, Mai Văn Hiến, Lê Phả. Ban Mỹ thuật Hội Văn nghệ đã tập
hợp lực lượng hoạ sỹ đã mở xưởng sơn mài (1948), thành lập Trường Mỹ
thuật kháng chiến (1950), tổ chức Triển lãm Mỹ thuật (1951) tại Chiêm
Hoá... Nhiều hoạ sĩ vừa cầm súng đánh giặc vừa ghi chép, ký hoạ, sáng
tác, triển lãm, dạy học, vẽ tranh cổ động tuyên truyền... vận động quần
chúng tăng gia sản xuất, kháng chiến, kiến quốc. Chính trong cuộc sống
chiến đấu gian khổ và ác liệt, nhiều hoạ sĩ đã trưởng thành và cùng xây
dựng nền móng cho ngành mỹ thuật cách mạng.

Năm
1954 hoà bình lập lại ở miền Bắc, nhiều hoạ sĩ, nhà điêu khắc từ các
chiến khu trở về thủ đô cùng với các hoạ sĩ miền Nam tập kết ra Bắc và
những hoạ sĩ ở nội thành tạo nên lực lượng mỹ thuật khá đông đảo tập
hợp trong Ban Mỹ thuật của Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1957, Hội Mỹ
thuật Việt Nam ra đời tại Hà Nội với sự tham dự của 108 hoạ sĩ, nhà
điêu khắc... đã bầu ra ban chấp hành gồm 25 uỷ viên do hoạ sĩ Nguyễn
Văn Tỵ làm Tổng thư ký, sau đó một năm, hoạ sĩ Trần Văn Cẩn được bầu
làm Tổng thư ký. Đến cuối nhiệm kỳ thứ nhất, hội đã có 547 hội viên,
trong đó có nhiều người được đào tạo tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt
Nam, Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và trưởng thành từ thực tiễn
sản xuất, chiến đấu.

Trong
thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, hàng trăm hoạ sĩ là
chiến sĩ quân đội, họ vừa chiến đấu vừa sáng tác. Hàng chục hoạ sĩ xung
phong vào chiến trường miền nam, là lực lượng nòng cốt của phòng Hội
hoạ giải phóng. Tấm gương hy sinh anh dũng của 60 hoạ sĩ trong cuộc
chiến đấu gian khổ luôn luôn được các thế hệ hội viên của hội ghi tạc.
Nhiều ký hoạ từ chiến trường miền nam thời ấy được gởi ra hậu phương
làm xúc động nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Ở miền bắc, lớp lớp
hoạ sĩ thay nhau đi tuyến lửa và xông xáo trong nhiều lĩnh vực công
nghiệp, nông nghiệp, văn hoá, khoa học...để sáng tạo nên những tác phẩm
mỹ thuật có giá trị nghệ thuật và lịch sử, phản ánh công cuộc xây dựng
miền bắc XHCN và cuộc đọ sức quyết liệt của quân và dân ta với chiến
tranh phá hoại tàn khốc bằng không quân của giặc. Về quan hệ quốc tế ở
thời kỳ này, hội tranh thủ được hỗ trợ và hợp tác của nhiều hội mỹ
thuật các nước XHCN tổ chức nhiều triển lãm mỹ thuật trong và ngoài
nước...

Do những
điều kiện khách quan của lịch sử, nhiệm kỳ của Hội Mỹ thuật Việt Nam đã
kéo dài 26 năm (1957-1982). Từ năm 1983 đến nay Hội tổ chức đại hội
trường kỳ 5 năm một lần. Các hoạ sĩ lần lượt giữ chức vụ Tổng thư ký
hội là Dương Viên (khoá II, 1983-1989 và khoá III, 1989-1994), Vũ Giáng
Hương (khoá IV, 1994-1999), Trần Khánh Chương (khoá V, 1999-2004).

Nếu
sau 26 năm của nhiệm kỳ I có 547 hội viên thì trong 19 năm của nhiệm kỳ
sau, Hội kết nạp thêm 1.052 hội viên mới. Tính đến nay có 1.399 hội
viên, trong đó hội hoạ là 886, đồ hoạ 236, điêu khắc 174, trang trí 132
và phê bình mỹ thuật 41. Từ khoá II, hội thành lập năm chuyên ngành và
năm hội đồng chuyên ngành để mở rộng phạm vi hoạt động, đáp ứng nhu cầu
phát triển mỹ thuật trong thời kỳ xây dựng đất nuớc.

Các
hoạt động thông tin, xuất bản của hội từng bước được củng cố. Năm 1977,
Tạp chí Mỹ thuật, cơ quan ngôn luận của Hội đã ra đời. Từ chỗ ra ba
tháng một số và có năm bị gián đoạn, năm 2002 tạp chí ra mỗi tháng một
số. 25 năm qua, tạp chí là "một biên niên sử về các hoạt động của hội"
và đã góp sức xây dựng nền tảng nghiên cứu lý luận, phê bình mỹ thuật ở
nước ta. Năm 1987, hội lập Nhà xuất bản Mỹ thuật. Hàng năm, Nhà xuất
bản cho ra đời gần 200 ấn phẩm mỹ thuật. Nhiều sách mỹ thuật có giá trị
được công luận đánh giá cao như: Hoạ sĩ trẻ Việt Nam, Điêu khắc cổ Việt
Nam, Mỹ thuật thủ đô Hà Nội thế kỷ 20, Gốm Việt Nam, bộ sách Tranh lụa
Việt Nam, tranh sơn dầu Việt Nam, tranh khắc gỗ Việt Nam, Điêu khắc
Việt Nam hiện đại... Nhiều ấn phẩm đoạt huy chương vàng, bạc trong
những cuộc thi sách đẹp hàng năm do Cục Xuất bản tổ chức. Năm 1990, Nhà
triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền (Hà Nội) được cải tạo nâng cấp thành
Trung tâm triển lãm chuyên đề mỹ thuật với ba phòng trưng bày, hàng năm
nơi đây đã thực hiện gần 50 cuộc triển lãm.

Từ
năm 1996, Hội tổ chức triển lãm mỹ thuật khu vực hàng năm nhằm đánh giá
kết quả sáng tác của hội viên với chính công chúng tại địa phương mình.
Ngoài Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã bảy lần tổ chức triển lãm mỹ thuật
khu vực, 35 tỉnh, thành cũng đã hưởng ứng và đăng cai tổ chức. Thành
công này tạo sức thu hút đầu tư và quan tâm của chính quyền và nhân dân
ở nhiều vùng, miền với mỹ thuật đã góp phần xã hội hoá hoạt động mỹ
thuật. Qua sáu triển lãm trước đây, Hội đã xét tặng giải thưởng mỹ
thuật khu vực và giải thưởng phê bình mỹ thuật cho 542 tác phẩm của
nhiều tác giả, trong đó có 10 giải nhất, 64 giải nhì, 137 giải ba và
331 giải tặng thưởng. Từ các giải thưởng này, hội xét chọn 38 tác phẩm,
trong đó có một giải nhất, 11 giải nhì và 26 giải ba mang tên Giải
thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam hàng năm. Các hội viên của hội đã là nòng
cốt trong nhiều kỳ triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm năm một lần, triển
lãm điêu khắc mười năm một lần, và hàng chục triển lãm với các chủ đề
về lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, tranh cổ động toàn quốc,
các cuộc thi và triển lãm mỹ thuật ASEAN... Từ sau ngày đất nước thống
nhất, mỗi đợt triển lãm mỹ thuật toàn quốc thu hút hơn 2.000 tác phẩm
tham dự và gần 1.000 tác phẩm được chọn trưng bày.

Bên
cạnh những tác giả thành danh, một thế hệ hoạ sĩ đã trưởng thành, có
nhiều đóng góp cho sự phát triển đa dạng của ngành mỹ thuật. Không ít
hoạ sĩ trẻ có tác phẩm xuất sắc, có dấu ấn riêng đoạt giải thưởng trong
nước và quốc tế. Nhiều loại hình và phong cách nghệ thuật với nội dung
mở rộng và sáng tạo được tôn trọng... Từ năm 1997, hội khôi phục lại
các chuyến thâm nhập thực tế, đưa hội viên đến các đơn vị quân đội, nhà
máy, vùng mỏ, các chiến khu xưa... để bồi đắp vốn sống và sáng tác.

Hội
hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế ở lĩnh vực mỹ thuật tiêu biểu như mở
trại sáng tác Hội hoạ Hà Nội 2001 với sự tham gia của 14 hoạ sĩ đến từ
8 nước do quỹ Ford tài trợ; thi mỹ thuật Ánh mắt trẻ năm 2001 và 2002
cho các hoạ sĩ dưới 35 tuổi dưới sự hỗ trợ của Đại sứ quán Pháp tại Hà
Nội; thi Thời trang trẻ Vượt thời gian và Trình diễn thời trang Anh -
Việt phối hợp với Hội đồng Anh tổ chức tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh;
hợp tác hoạt động mỹ thuật với Trung Quốc, Lào và một số nước trong
khối ASEAN.

Năm
1999, Nhà nước bắt đầu cấp kinh phí tài trợ sáng tác cho các hội văn
học nghệ thuật ở Trung ương trong đó có Hội Mỹ thuật Việt Nam. Đến
tháng 6 -2002 đã có 479 hội viên được nhận tài trợ sáng tác. Hội hiện
đã hình thành 49 chi hội trong cả nước, trong đó khu vực Hà Nội gồm năm
chi hội theo năm ngành chuyên môn. Nhiều chi hội đã phối hợp có hiệu
quả với các hội văn học - nghệ thuật địa phương thúc đẩy phong trào
sáng tác nghệ thuật.

Với
những thành tựu của nhiều lớp thế hệ hoạ sĩ cách mạng, Hội Mỹ thuật
Việt Nam được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng nhất (1960), Huân
chương Độc lập hạng nhất (1987), Huân chương Hồ Chí Minh (1997). 18 hội
viên gồm các hoạ sĩ và nhà điêu khắc: Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn
Phan Chánh, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư
Nghiêm, Diệp Minh Châu (đợt 1 - 1996); Nguyễn Tiến Chung, Huỳnh Văn
Gấm, Dương Bích Liên, Hoàng Tích Trù, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Hai, Nguyễn
Khan, Nguyễn Sĩ Ngọc, Nguyễn Thị Kim, Lê Quốc Lộc (đợt 2 - 2000) được
Nhà nước Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và 32 hội viên
được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (đợt 1 - 2000).
Sponsored content

Mỹ thuật Việt Nam trong buổi đầu Cách mạng Tháng Tám Empty Re: Mỹ thuật Việt Nam trong buổi đầu Cách mạng Tháng Tám

Về Đầu Trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết